Đầu năm 2018, một nghiên cứu về những thiệt hại đường bộ do viện an toàn giao thông quốc gia Hoa Kỳ (IIHS) tiến hành đã chỉ ra rằng, công nghệ hỗ trợ người lái Eyesight do Subaru phát triển đã giúp giảm tỉ lệ các vụ bồi thường bảo hiểm tai nạn có liên quan tới người đi bộ tới 41%. Trong khi đó, thống kê dữ liệu từ các chủ xe Subaru tại Nhật Bản cho thấy, sự hiện diện của EyeSight giúp giảm 61% nguy cơ va chạm.

Tương tự, IIHS trong năm 2016 cũng từng đánh giá EyeSight giúp những chiếc xe Subaru Legacy vượt trội về khả năng hạn chế va chạm phía trước so với Toyota Camry cũng như Ford Fusion. Những con số ấn tượng như vậy không chỉ cho thấy công nghệ an toàn chủ động đang đóng vai trò lớn hơn bao giờ hết trong việc đảm bảo những hành trình vô lo trong môi trường giao thông hiện đại vô cùng đông đúc và phức tạp, nơi khả năng quan sát và trí óc con người đôi khi bị quá tải trước những tình huống phát sinh, mà còn khẳng định rằng giải pháp EyeSight của Subaru dường như đang có ưu thế rất lớn trong việc giải quyết bài toán giao thông đô thị hiện đại. 

Đường giao lộ giao thông trên cao
Đường giao lộ giao thông trên cao

Sự phức tạp trong giao thông đô thị hiện đại có thể khiến bộ óc và thị giác con người rơi vào tình trạng quá tải, cần tới sự hỗ trợ tăng cường của máy móc.

Tuy nhiên, sau khi hé lộ EyeSight (thế hệ thứ 3) lần đầu trước báo giới trong nước tại Singapore Motorshow vào năm 2018, Subaru hầu như rất kín tiếng về khả năng đưa EyeSight lên các mẫu xe dành cho thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, giờ đây công nghệ mới này đã trở thành một trong những trang bị tiêu chuẩn trên mọi dòng xe Subaru dành cho người tiêu dùng tại Việt Nam.

Vậy, EyeSight là gì? Điều gì khiến công nghệ tưởng chừng phổ biến này lại vượt xa những tính năng tương tự đang có mặt trên thị trường? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

EyeSight là gì?

Đúng như tên gọi, EyeSight (ánh nhìn) là một loạt các chức năng thị giác điện tử hỗ trợ người lái. Trong đó, toàn bộ cơ chế tính toán phản ứng đều trông cậy vào dữ liệu thu về từ các máy quay kép (stereo camera) gắn phía sau kính lái, với khả năng thu về hình ảnh 3 chiều, có màu, ở chất lượng cao nhằm đảm bảo khả năng nhận dạng vật thể tối ưu nhất.

Qua các phân tích dựa trên những hình ảnh như vậy, chiếc xe sẽ nhận biết những nguy cơ tiềm ẩn, và đưa ra các giải pháp xử lý chủ động phù hợp nhất (bao gồm cả tác động lên hệ thống phanh, hộp số, cũng như cơ chế ga) để giảm thiểu tối đa nguy cơ va chạm. Bên cạnh việc tăng cường an toàn, EyeSight cũng được kì vọng sẽ giúp giảm căng thẳng cho người lái trong các tình huống xử lý phức tạp.

EyeSight thế hệ thứ 3 có thể liên tục phân tích hình ảnh nổi 3D với đầy đủ màu sắc từ máy quay kép để dự đoán tình huống phát sinh.

So với các hệ thống tương tự sử dụng radar, LIDAR hay máy quay đơn, EyeSight ưu việt hơn nhiều. Radar thường hạn chế trong việc phát hiện vật thể quá gần, khoảng nhận biết hẹp và độ phân giải không cao, trong khi LIDAR lại có tầm hoạt động ngắn, và chỉ nhận biết được phương tiện khác mà thôi. Về phần mình, các hệ thống an toàn lấy tín hiệu từ máy quay đơn thường xuyên gặp khó trong việc phát hiện vật thể tĩnh, và không thể xác định chính xác được khoảng cách giữa các đối tượng. Tất cả những nhược điểm này đều được khắc phục rất hiệu quả trong giải pháp mà Subaru lựa chọn.

Cũng theo chia sẻ với người viết từ Kĩ sư cao cấp Subaru, ông Koichi Abe, EyeSight là thành phần cuối cùng trong bốn trụ cột nền tảng làm nên giá trị nổi bật của những chiếc xe do tập đoàn công nghiệp nổi tiếng Nhật Bản vốn từng mang tên gọi Fuji Heavy Industries chế tạo. Ba trụ cột còn lại gồm công nghệ động cơ xy lanh đối xứng Boxer, hệ thống dẫn động bốn bánh toàn thời gian đối xứng lừng danh, và nền tảng khung gầm toàn cầu mới của Subaru.

Công nghệ EyeSight trên xe Subaru Forester
Công nghệ EyeSight trên xe Subaru Forester

Có thể coi EyeSight như một cặp “mắt thần” hỗ trợ quan sát những góc chết, nhằm dự đoán và giúp phòng tránh những rủi ro bất thường.

Nói như vậy cũng có nghĩa là EyeSight sẽ được tập trung phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhằm đáp ứng kịp những chuyển dịch nhanh chóng trong ngành công nghiệp ô tô hiện đại. Mặt khac, đây cũng là thành phần quan trọng trong nỗ lực cải thiện độ an toàn của ô tô mà Subaru đang theo đuổi trong chiến lược phát triển Tầm nhìn 2020 của mình. Được biết, nhằm hoàn thiện cơ chế xử lý và đảm bảo tính chính xác trong vận hành cho EyeSight, Subaru đã tiến hành hàng loạt các thử nghiệm thực tế tại những quốc gia có điều kiện tự nhiên và tình hình giao thông phức tạp, khắc nghiệt nhất, trong một thời gian dài.

Trước đây, ông Jinya Shoji, Tổng Giám đốc phụ trách hoạt động tiếp thị toàn cầu của Subaru từng cho biết, EyeSight sẽ sớm được triển khai như một tùy chọn mặc định trên toàn bộ các sản phẩm bán ra thị trường (trừ chiếc coupe thể thao BRZ do những quy định giới hạn trong khuôn khổ hợp tác với Toyota). Tới nay, hầu như các nước ASEAN đều đã đón nhận “món mới” này đúng với lời hứa ấy. Tại Việt Nam, Forester là một trong những mẫu xe tiên phong được trang bị công nghệ mới này.

Công nghệ EyeSight trên xe Subaru Forester
Công nghệ EyeSight trên xe Subaru Forester

EyeSight là bước đi đầu quan trọng, đưa những chiếc xe Subaru tiến vào môi trường giao thông thông minh của tương lai

EyeSight vận hành như thế nào?

Về mặt nguyên tắc, EyeSight giúp tránh những tai nạn giao thông không đáng có nhờ 5 ứng dụng chính. Đây đều là những công cụ hỗ trợ phát triển dựa trên các chức năng truyền thống của ô tô nhưng được “thông minh hóa” nhờ phân tích dữ liệu từ máy quay và “bộ óc” điện tử của xe:

  • Kiểm soát hành trình thích ứng (ACC): Không chỉ dừng lại ở việc tự duy trì ga hay “xịn” hơn là tự phanh khi có vật cản phía trước như nhiều dòng xe khác đang có, ACC trên thế hệ xe Subaru mới sẽ có thể duy trì khoảng cách với những chiếc xe chạy phía trước một cách hài hòa. Để làm được như vậy, EyeSight phân tích hình ảnh thu về để đánh giá tốc độ xe phía trước, từ đó điều hành hộp số, ga và phanh sao cho việc “bám đuôi” êm ái và an toàn nhất có thể.
  • Xử lý tình huống chệch làn và chuyển làn liên tục bất thường: Thực tế, đây là tổ hợp của hai tính năng hoàn toàn độc lập. Không chỉ dừng lại ở việc có thể cảnh báo khi xe bị di chuyển chệch khỏi làn đường di chuyển (một tính năng khá phổ biến), EyeSight còn cảnh báo được cả hiện tượng chuyển làn một cách “khả nghi” thông qua sự quan sát chính xác bằng các máy quay. Nói cách khác, nếu chiếc xe bị đảo làn liên tục một cách bất thường (tình trạng thường gặp do tài xế ngủ gật hoặc dùng điện thoại khi đang cầm vô lăng), EyeSight sẽ chủ động báo động để tránh rủi ro xảy ra. Tính năng thứ hai này chỉ hoạt động khi xe di chuyển trên 50km/giờ.
  • Cảnh báo xe phía trước di chuyển: Trong trường hợp nhích từng mét một khi tắc đường, hoặc đơn thuần dừng đèn đỏ, EyeSight sẽ phát cảnh báo khi xe phía trước di chuyển. Đây là tính năng rất thuận tiện cho những ai dễ bị lơ đễnh mỗi khi chờ đợi trên đường. Tuy nhiên ở Việt Nam, tính năng này có lẽ hơi…thừa vì thậm chí đôi khi đèn đỏ còn chưa chuyển xanh, tài xế phía sau bạn đã bấm còi và chớp đèn thay cho EyeSight rồi.
  • Hệ thống phanh tránh va chạm: Đây có lẽ là “món” quan trọng và hữu ích bậc nhất của EyeSight. Trong quá trình xe di chuyển, nếu nguy cơ va chạm bất ngờ xảy đến, EyeSight sẽ cảnh báo người lái bằng âm thanh và đèn chớp trên táp lô. Nếu không có phản ứng nào, xe sẽ tự động phanh để tránh va chạm. Tuy nhiên, không dừng ở đó, EyeSight thậm chí sẽ bù lực phanh cho phù hợp nếu tài xế đạp phanh không đủ mạnh để dừng xe trước khi đâm vào chướng ngại vật phía trước. Dĩ nhiên, đây là hệ quả đến từ những tính toán chính xác do EyeSight thực hiện.
  • Kiểm soát chân ga tránh va chạm: Để tránh tình huống “xe điên”, nếu phát hiện có chướng ngại vật phía trước và người lái lại đang để hộp số ở D, EyeSight sẽ phát âm thanh cảnh báo trước khi ngắt hoàn toàn lực kéo động cơ (trong 4 giây) để tránh va chạm. Tuy nhiên, để tránh chức năng này có thể biến chiếc xe thành mồi ngon cho những tên cướp hoặc kẻ ăn vạ dọc đường, sau khoảng thời gian nói trên, lực kéo sẽ được phục hồi, cho phép người lái dễ dàng né những tình huống không mong muốn.

Vậy EyeSight có hiệu quả trong thực tế sử dụng?

Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, EyeSight thực tế đã có cơ hội thể hiện giá trị thực tế trong việc cải thiện an toàn giao thông. Theo những đánh giá của Trung tâm phân tích dữ liệu tai nạn Nhật Bản, hệ thống này đã giảm thiểu đáng kể số lượng các rủi ro va chạm giao thông. Nhờ vậy, toàn bộ xe Subaru đều đạt đánh giá ASV++, mức an toàn tốt nhất trong thang điểm an toàn JNCAP của Xứ xở Hoa anh đào.

Với người dùng, do hầu hết các tính năng của EyeSight đều vận hành hoàn toàn tự động, việc tận dụng những lợi ích do công nghệ này mang lại là điều hết sức dễ dàng. Thậm chí, thao tác thiết lập để xe Subaru với EyeSight tự động bám xe phía trước cũng rất đơn giản, với quy trình như kích hoạt cơ chế kiểm soát hành trình thông thường. Khác biệt duy nhất nằm ở việc người lái có thể chủ động chọn khoảng cách phù hợp theo ý muốn.

Không chỉ đảm bảo an toàn nói chung, EyeSight có thể ngắt hoàn toàn lực kéo của động cơ khỏi bốn bánh để tránh tình trạng “xe điên” do quên chân ga.

Trải nghiệm thực tế cũng cho thấy cơ chế duy trì tốc độ của xe Subaru sau khi được tích hợp EyeSight khá trơn tru. Việc tăng tốc và phanh tự động đều “mượt”, không gây sốc với hành khách bên trong khoang lái như một số sản phẩm cạnh tranh. Khác với cơ chế kiểm soát hành trình thích ứng của những dòng xe khác, tính năng này trên xe Subaru với EyeSight cho phép xe dừng hẳn nếu xe phía trước cũng phanh (ví dụ chờ đèn đỏ), và sau đó tiếp tục di chuyển. Hệ thống điện tử thậm chí sẽ cảnh báo người lái rằng xe trước đã đi, kịp thời tránh việc tay lái nóng tính nào đó phía sau bóp còi inh ỏi.

Những đặc điểm nói trên là yếu tố quan trọng, góp phần giúp cho hành trình hàng ngàn km thử nghiệm chiếc Forester mà WhatCar thực hiện trong những ngày vừa qua trở nên “dễ thở” hơn với bất kì mẫu xe nào khác. Những tính toán xử lý tình huống cũng khá thông minh, phù hợp với nhiều phát sinh trong môi trường giao thông xứ Việt. Nếu so với Honda Sensing hay Nissan ProPilot, có thể khẳng định Subaru EyeSight đã thực sự tiến gần hơn cả tới khái niệm xe tự hành hơn cả. Điều này giống với một chia sẻ của lãnh đạo hãng xe Nhật Bản, rằng công nghệ này tuy chỉ “đạt chuẩn” xe tự hành cấp 2 theo chuẩn SAE, nhưng thực tế người cầm lái sẽ có “những trải nghiệm như với cấp độ 3”.

Ngay cả trong đêm tối, các kĩ sư của Subaru cho biết khả năng của các máy quay kép EyeSight trong điều kiện thiếu sáng là khá tốt và những giá trị an toàn mang lại trong điều kiện lái xe đêm có thể được thấy rõ. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của người viết, nếu EyeSight được tăng cường thêm cảm biến tầm xa, hoặc kết hợp với công nghệ “trỏ” của đèn pha laser hiện đại, nó sẽ vận hành hoàn chỉnh hơn trong bóng tối, thậm chí có thể mở rộng độ hiệu quả trong hỗ trợ lên nhiều lần. Mặt khác, cũng cần phải nói rằng, việc Subaru đưa công nghệ phức tạp như EyeSight lên mẫu xe phổ thông là điều đáng hoan nghênh, bởi đây mới chính là nhóm phương tiện đối mặt với nhiều trở ngại giao thông trong hành trình hàng ngày.

Có thể thấy, tính hiệu quả của những hệ thống thông minh hỗ trợ người lái như EyeSight trong việc bảo đảm an toàn và tăng tính tiện dụng là không cần bàn cãi. Việc Subaru bổ sung công nghệ an toàn chủ động vào những mẫu xe vốn đã xây dựng vững vàng vị thế của mình trên thị trường cũng giúp chúng sẵn sàng đón nhận và hòa nhập vào môi trường giao thông tương lai của những chiếc ô tô thông minh.

Trả lời

0962 003 003